Quay lại
Tiếp theo

Thứ năm, 30/11/2017 | 03:02 GMT+7


Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giảng viên khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Đông Đô, có những chia sẻ xúc động về chặng đường gắn bó với nghề Giáo của mình nhân ngày 20-11

 

Giáo viên phải là tấm gương phản chiếu lại cho sinh viên, nếu gương chiếu sáng và chính diện thì sinh viên soi thấy mình đẹp còn nếu gương dị hình thì sinh viên soi sẽ thấy mình xấu và cảm thấy  không tự tin

Xã hội loài người đã trải qua nhiều chế độ xã hội khác nhau, nhiều phương thức khác nhau, vị trí, vai trò của người giáo viên trong từng chế độ đó cũng được quan niệm khác nhau, nhưng ý nghĩa xã hội to lớn của nghề dạy học là không ai phủ nhận được. Nhìn chung, các dân tộc trên thế giới qua các thời đại đều đánh giá cao vai trò của người thầy giáo.

Giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ là một chiến lược quan trọng của quốc gia “Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đó thật sự là một việc làm vừa hợp ý Đảng và Nhà nước lại vừa hợp lòng dân, mà trọng trách lớn được đặt trên vai những nhà giáo. Vì vậy, thầy cô giáo chính là tấm gương để học sinh soi vào. Để nâng cao phẩm chất nhà giáo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,  mỗi một thầy cô giáo phải hiểu, thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của Bác Hồ về giáo dục; mỗi người phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có  tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với chính mình và xã hội. Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Có tài mà không có đức là  người vô dụng, có đức mà không có có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Chữ tâm chữ Đức thế mà hay

Thành bại, nên hư bởi chữ này

Trẻ thì gắng công, già cố giữ

Cuộc đời trọn vẹn thế là hay

Đất nước ta luôn tự hào với truyền thống ngàn năm văn hiến. Lịch sử dân tộc ta ghi nhiều trang oanh liệt, văn chương và tư tưởng Việt Nam có vẻ đẹp riêng, khoa học kỹ thuật Việt Nam vẫn đúc kết nên những kinh nghiệm nhất định...Tất cả những thành quả ấy là do sức sống, do bản lĩnh của nhân dân. Từ xa xưa nghề giáo còn được gọi là Ông đồ, Ông giáo, Bà giáo…. nay được gọi là Cô giáo, Thầy giáo, giáo viên …Dù thời nào hoặc gọi như thế nào thì nhà giáo vẫn mang một ý nghĩa nhân văn cao cả, đại diện cho những tấm lòng nhân ái bao dung và cũng hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

Người trồng cây lộc người chơi

Ta trồng cây đức để đời mai sau!

Trong suốt cuộc đấu tranh trường kỳ giữ nước và dựng nước, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy, Bác Hồ đã nói: “ Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh húng vô danh”.Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói:“ Nghề dạy học là một nghề cao quí... nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo... vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Mặt khác, việc hình thành và phát triển nhân cách con người là một quá trình lâu dài, nhưng giai đoạn được giáo dục ở nhà trường là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của nhân cách.Vì vậy, những tác động và kết quả giáo dục của  giáo viên đối với học sinh vừa có tác dụng đặt nền móng, vừa có tác dụng định hướng, dẫn dắt cho quá trình phát triển nhân cách. Sự phát triển tương lai của học sinh phụ thuộc nhiều vào kết quả giáo dục của giáo viên. Giáo viên chính là người “ kỹ sư thiết kế nên tâm hồn” học sinh, giáo viên phải giáo dục học sinh về tâm hồn, về đạo lý, công lý...phải thông qua “dạy chữ” mà “dạy người”. Trong nhà trường, giáo viên đóng vai trò chủ  đạo có nghĩa giáo viên không chỉ là người truyền đạt thông tin mà còn là người tổ chức, hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh quá trình nhận thức và quá trình hình thành nhân cách của học sinh.

Ngày nay, những đặc điểm và xu thế phát triển của thời đại, đang đặt ra những yêu cầu cao đối với chất lượng nguồn nhân lực, đòi hỏi phải đổi mới giáo dục một cách toàn diện. Xu hướng  đổi mới cơ bản là chuyển từ kiểu dạy học “ lấy giáo viên làm trung tâm” sang kiểu “dạy học lấy học sinh làm trung tâm”.Nói cụ thể hơn là dạy học phải hướng vào người học, đặt người học vào vị trí trung tâm của quá trình giáo dục, cần phải nhận thức rằng học sinh là đối tượng của giáo dục, vì vậy phải tôn trọng lợi ích, nhu cầu của người học. Lợi ích và nhu cầu cơ bản nhất của học sinh là sự phát triển nhân cách của họ, nên yêu cầu đối với người dạy không hề giảm nhẹ, trái lại, giáo viên càng phải có trình độ cao về chuyên môn nghiệp vụ mới, có thể đóng vai trò là người cố vấn, người trọng tài luôn luôn giữ vai trò chủ đạo trong quá trình sư phạm. Trong một thế giới khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển vừa mang lại sự biến đổi nhanh trong đời sống xã hội, vừa tạo ra sự chuyển dịch các định hướng giá trị, thì người giáo viên không thể chỉ đóng vai trò truyền đạt  tri thức, mà đồng thời phải có khả năng phát triển những cảm xúc, thái độ, hành vi ứng xử của học sinh, đảm bảo cho học sinh làm chủ được và biết ứng dụng hợp lý những tri thức đó....           

Giáo viên phải là tấm gương phản chiếu lại cho sinh viên, nếu gương chiếu sáng và chính diện thì sinh viên soi thấy mình đẹp còn nếu gương dị hình thì sinh viên soi sẽ thấy mình xấu và cảm thấy  không tự tin. Nghĩa thì là vậy song trong thực tế hiện tại giữa những dòng đời và nền kinh tế khủng hoảng cũng kéo theo nền giáo dục phôi phai, mai một mang tính thương mại hóa, đâu đó thấp thoáng một vài nơi, một vài cá nhân nho nhỏ ở nghề giáo vẫn còn tồn tại những từ ngữ, ứng xử, thô thiển thiếu văn hóa trong học đường, làm ảnh hưởng chung đến bao nhà giáo khác đã tâm huyết hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giáo dục. Chúng ta! Có bao giờ thấy trăn trở, lòng quặn đau đến chảy nước mắt khi thấy sinh viên nghỉ học, sinh viên điểm kém, sinh viên lạc đường lầm lối, nghiện ngập lối sống thiếu chuẩn mực chưa? Có, đã có! Hay lực bất vì thiếu đồng bộ….

Sau đây tôi xin tự chuyện của một cô giáo; Tôi có người đồng nghiệp đã hơn  30 năm trong nghề giáo dục, cô có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và giảng dậy đặc biệt là khi giải quyết và xử lý tình huống,  tính mô phạm của cô rất cao nên tùy từng đối tượng mà cô có phương pháp giáo dục khác nhau, cô có nhiều kỷ niệm vui buồn với học trò, đôi khi cô giống như một vở kịch “ Cô vừa là đạo diễn lại vừa là diễn viên”.

Năm 1997 Tôi được Khoa phân công làm Giáo viên chủ nhiệm lớp gồm 75 sinh viên, trong số đó có một Sinh viên tên T, nhìn bên ngoài em có phần chầm chậm, sống khép mình, ít hòa đồng với các bạn, em hay bỏ học và bỏ thi,  ngày đó mỗi năm còn xét lưu ban, thôi học (Em T thuộc diện thôi học) nhìn em buồn rầu, lủi thủi, tuyệt vọng tôi nghĩ em vẫn còn có nhận thức sâu sắc về vấn đề học vấn  nên tôi đã bảo lãnh trước hội đồng kỷ luật xin cho em được tiếp tục học, vì quá thương em nên tôi cũng không ngần ngại gì? Nhưng cũng không khỏi con mắt tò mò của đồng nghiệp, bằng cả  tình thương và đạo đức nghề nghiệp  tôi quyết tâm kèm cặp giúp em vượt qua  giai đoạn khó khăn này. Tôi tìm cách liên hệ với gia đình và biết em có sử dụng chất gây nghiện, khi tôi tìm hiểu tính cách, hoàn cảnh và đủ thông tin cần thiết, tôi phân công cho lớp trưởng là một bạn gái thường xuyên đưa đón và giúp đỡ T,  bên cạnh các em luôn có tôi và gia đình đồng hành, mẹ em đã phải rời nhà từ Quảng Ninh lên Hà Nội để trông coi em và đồng thời cai nghiện cho em. Trong 3 năm học và tôi thường xuyên đứng ở cửa lớp học để trách các bạn của T đến rủ, lâu dần T không còn bạn nghiện và tôi cũng động viên khen ngợi lòng dũng cảm và nghị lực của T, tôi khuyên em cố gắng thêm vì đã sắp kết thúc khóa học, tôi thấy vui khi em thành công 2 việc trong cùng thời điểm đó là vừa học lại vừa cai nghiện. mục đích của tôi là chúng ta làm nghề giáo dục cơ mà? Tại sao một sinh viên như vậy lại không dùng tình thương để ôm em vào vòng tay của mình mà lại đẩy em ra ngoài Xã hội thì ai mới là người dậy dỗ em? Lúc đó duy nhất có một thầy Giáo dậy môn Quản trị doanh nghiệp nói với tôi “Em làm thế là đúng, Anh ủng hộ em vì nếu chúng ta không giúp nó mà đẩy nó ra ngoài Xã Hội thì nó sẽ làm khổ và lôi kéo thêm nhiều  thanh niên khác theo nó, còn tệ hơn”. Được sự động viên này tôi càng có quyết tâm cao và giúp em bằng cả tấm lòng của một người mẹ, người Thầy, người chị, người bạn .. thời gian dần trôi rồi cũng qua bốn năm học, em T cũng đã hội tụ đầy đủ các môn học theo quy định của Trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và có một kết quả tuy là không tốt  nhưng  cũng đạt bằng trung bình khá. Ngày nhận bằng tốt nghiệp tôi, các bạn, Mẹ em T đã mừng đến rơi nước mắt khi thấy em vượt qua mọi rào cản, mặc cảm, quyết tâm hoàn thành 2 việc học và hoàn thiện nhân cách. Em ra trường vẫn với tâm trạng bối rối, âu lo. Tôi thỉnh thoảng có liên hệ với em và gia đình qua điện thoại cố định (ngày đó cuộc sống còn nhiều khó khăn nên điện thoại di động không có) tôi được biết em đã đi làm tôi rất vui.Hai năm sau vào lúc 12 giờ đêm ( tức 24 giờ) ngày 20/11 năm 2002 em T đến nhà tôi ôm theo 1 bó hoa to và nói “ Mẹ ơi! Con T đây! Hôm nay 20/11 mà con bận quá giờ con mới về chúc mẹ nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Mẹ ơi con chúc mẹ mạnh khỏe” Tôi ôm em và đã khóc vì cảm động quá, đó là những giây phút mà tôi không bao giờ quên, cô trò gặp nhau được 15 phút, em vội vàng trở về Quảng Ninh để tiếp tục công việc ngày hôm sau, từ đó tôi mất liên lạc với em, tôi tìm hiểu thì biết gia đình em đã bán nhà chuyển đi nơi khác sống và  tôi cũng mất liên lạc với em, tôi luôn nghĩ về em, “Hay là em đã tái nghiện? hay đã mất” cho tới khi chúng tôi tổ chức kỷ niệm ngày thành lập khoa năm 1996-2016 tôi đã liên hệ với các lớp nhưng riêng lớp đó tôi không liên lạc được, trong buổi lễ long trọng với hơn 3000 sinh viên hội tụ về bỗng có 4 sinh Viên hỏi tôi “ Một bạn gái hỏi! Cô ơi cô còn nhớ ai đây không? Thực sự tôi chưa nhớ ra vì các em thay đổi quá nhiều theo thời gian, đa số các em béo ra, già đi theo năm tháng vì bôn ba trong cuộc sống, “ Bạn T đó cô!” Ôi tôi đã đánh em và khóc, tôi trách em là tại sao một thời gian dài vậy mà không liên hệ với cô, em có biết rằng tất cả các bạn cô đều mong nhưng người mà cô mong nhất chính là em không? Tôi và em vội vã qua vài lời tâm sự ngắn ngủi biết em đã có vợ và 2 con gái, em làm giám đốc của một công ty, sử dụng xe ô tô hạng sang, tôi rất mừng nhưng không phải mừng vì em giầu sang mà mừng vì em đã hội tụ được đầy đủ các kỹ năng cơ bản để điều hành một công ty lớn, vì thời gian có hạn nên tôi có hẹn em chiều đi ăn cùng cô chuyện trò thì em xin phép không đi vì em ăn chay trường điều này thật là tuyệt vời quá. Biết em sống tốt và thành đạt tôi rất mừng và yên lòng hơn. Sau lần gặp này tôi rất vui và ngưỡng mộ lòng kiên trì dũng cảm, sự mạnh mẽ của em và có cả tình thương bao la của mẹ, của vợ T đã luôn đồng hành cùng em trong suốt cả cuộc đời mong manh trong một xã hội muôn mầu, muôn mặt đời thường nó có thể là những cơn gió cuốn đi tất cả, vậy mà em đã vững vàng trên mọi tình huống.Thế mới biết là:

Cho con một kho vàng

Không bằng cho con một nang chữ

Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Các câu thành ngữ “ Không thầy đố mày làm nên/ Trọng thày mới được làm thày”; “ muốn sang thì bắc cầu kiều/ muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” … đã khẳng định vị thế của người thầy giáo trong xã hội và đức tính hiếu học của nhân dân ta. Trong thời đại xây dựng xã hội học tập ngày nay, vai trò của người thầy lại càng không thể thiếu trong quá trình định hướng về tri thức, nhân cách và phương pháp, là tấm gương sáng đối với thế hệ người học. Do vậy cần thiết phải có một định hướng, một cách nhìn mới đối với việc đào tạo và bồi dưỡng người thầy giáo trong xã hội hiện nay.

Tóm lại, trong xã hội hiện đại, thông qua chức năng dạy học và giáo dục, đội ngũ giáo viên có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ giáo viên trong xã hội mới, coi họ là lớp người vẻ vang của đất nước, vì nếu “ không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Từ đó Người cũng chỉ rõ: vấn đề then chốt, quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh… Cố tổng bí thư Lê Duẩn cũng từng nói: “ Đảng và nhân dân ta giao phó việc dạy dỗ con em mình cho các giáo viên, cũng là phó thác cho họ sứ mệnh đào tạo thế hệ tương lai cho cả dân tộc ta”. Nhà thơ Ấn Độ Tago viết: “ Giáo dục một người đàn ông được một người đàn ông; giáo dục một người đàn bà được cả một gia đình; giáo dục một người Thầy được cả một xã hội”.


 Tuyết Mai cùng các sinh viên khoa Tài Chính Ngân Hàng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập khoa TCNH - Đại học Đông Đô