Quay lại
Tiếp theo

Thứ sáu, 25/05/2018 | 03:45 GMT+7


[Nghiên cứu] Những tư tưởng lớn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

GS.TS Hoàng Chí Bảo,

Chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Trong quá trình nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta ngày càng nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, nội dung tư tưởng của Người. Từng bước một, chúng ta đã nhận rõ giá trị, tầm vóc và ý nghĩa nhiều mặt của tư tưởng - bộ phận cốt lõi về lý luận trong di sản của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trong các tác phẩm, văn phẩm của Người mà còn thể hiện đặc biệt sống động trong hoạt động thực tiễn đa dạng, phong phú mà Người đã trực tiếp trải nghiệm, thể nghiệm trong hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng hơn 6 thập kỷ. Hai mươi bốn năm liền Người là chủ tịch nước (1945 - 1969). Đại hội II (1951) và Đại hội III (1960), Người còn được bầu làm chủ tịch Đảng. Ở đỉnh cao quyền lực cả trong Đảng và Nhà nước trong một thời gian dài, Người thực thi quyền lực do Đảng và do dân ủy thác với một tinh thần dân chủ hiếm thấy ở các lãnh tụ khác, với đạo đức trong sáng, mẫu mực về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tuyệt đối không màng danh lợi, đứng ở ngoài vòng danh lợi để toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Suốt đời, Người chống chủ nghĩa cá nhân vụ lợi vị kỷ, hy sinh tất cả, kể cả cuộc sống riêng tư để thực hành “dĩ công vi thượng”, “quang minh chính đại”, “tinh thành đoàn kết”, chỉ làm điều lợi cho dân, tránh mọi điều hại tới dân. Người không chỉ nêu gương mà còn giúp cho mọi người noi gương, làm điều tốt, tránh điều xấu, gợi mở, thức tỉnh, động viên và thúc đẩy con người hướng thiện, hoàn thiện bản thân. Theo đó, “một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn, tuyên truyền”, “gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất”. Bản thân Người là một điển hình mẫu mực về thực hành đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đem cả tâm nguyện lẫn hành động để một đời Ái Quốc, trọn đời Ái Dân, biết rõ quy luật của muôn đời, cuối cùng thì ai cũng phải chết nên đến phút chót, lúc ra đi, Người không có điều gì phải ân hận, chỉ có một nỗi niềm, “tiếc là tiếc rằng, không được phục vụ Tổ quốc và Nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Do đó, có thể nói, với Hồ Chí Minh, tư tưởng gắn liền với đạo đức, tư tưởng đạo đức trở thành hành động đạo đức, thể hiện một cách cảm động qua hành vi, lối sống của Người.

Nếu tư tưởng Hồ Chí Minh, như Đảng ta quan niệm là một hệ thống lớn các quan điểm, nguyên tắc về những vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam, về đường lối và phương pháp cách mạng thì trong Di chúc, các quan điểm và nguyên tắc đó được thể hiện tập trung ở quyết tâm chiến lược đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ở niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc xum họp một nhà.

Nếu tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc con đường và quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc mà mục tiêu, lý tưởng cách mạng đều hướng tới hệ giá trị cốt lõi: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc cho nhân dân, thì trong Di chúc, những tư tưởng đó được cụ thể hóa và tập trung nổi bật vào cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, vào thực hiện thống nhất nước nhà, “miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, nhất định phải được giải phóng hoàn toàn để Nam Bắc là một nhà, toàn dân sống trong hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Nếu tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc, dựng nước đi liền với giữ nước, xây dựng nền dân chủ để nhân dân làm chủ thì trong Di chúc, Người đặc biệt nhấn mạnh đến trọng trách lịch sử của Đảng, tính tiền phong gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ đảng viên, suốt đời chăm lo cho cuộc sống của dân, tận tụy trung thành với Dân với Nước, bởi thế, nổi bật trong Di chúc là “trước hết nói về Đảng”, “trước tiên phải chỉnh đốn lại Đảng”, “Đầu tiên là công việc với con người”, chăm lo chu đáo tới đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người dân, nhất là thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa cho thương binh liệt sĩ, cho những người có công, cho các gia đình có công với nước. Người từng nói, đường lối, chính sách của Đảng và chính phủ là đạo lý và đạo nghĩa lớn nhất.

Nếu tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân văn và văn hóa, “muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xây dựng một xã hội văn hóa cao”, làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, “Đảng là đạo đức là văn minh”… thì trong Di chúc, Người căn dặn cán bộ đảng viên phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, ra sức thực hành dân chủ và cần kiệm liêm chính để xứng đáng là người đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân, xứng đáng là người lãnh đạo của nhân dân. Di chúc đề cập đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết mà Đảng phải đặc biệt quan tâm. Người căn dặn Đảng và Chính phủ phải chú trọng tạo mọi điều kiện giúp đỡ chị em phụ nữ, làm cho họ tiến bộ và trưởng thành, kể cả tham gia vào đời sống chính trị, bản thân chị em phụ nữ phải chủ động vươn lên, khắc phục tự ti và mặc cảm. Giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ là thước đo của tiến bộ và phát triển xã hội, thực sự là một cuộc cách mạng bình quyền. Trong Di chúc, Người cũng căn dặn tỷ mỷ công tác thương binh liệt sĩ, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, giáo dục tinh thần yêu nước, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Nội dung tư tưởng trong Di chúc đã thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh mang bản chất và đặc trưng nổi bật: khoa học - cách mạng và nhân văn. Di chúc trong hình thức văn bản chỉ có 1000 từ mà chứa đựng những tư tưởng lớn. Đó thực sự là một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc “đánh thắng hai đế quốc to”, là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển, trù tính cho tương lai đất nước, sau khi cách mạng hoàn toàn thắng lợi đi vào kiến thiết, xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa mà mục tiêu cao nhất là hướng tới quyền làm chủ và hạnh phúc của nhân dân.

Trong các mối quan hệ lớn của đổi mới và phát triển, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý để nhân dân làm chủ, nhân dân tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng Đảng và quản lý của Nhà nước.

Những tư tưởng lớn trong Di chúc đã và đang soi sáng con đường đi và sự nghiệp của chúng ta ngày nay. Những tư tưởng đó ở tầm chiến lược, là những chỉ dẫn cho việc Đảng xác định đường lối và phương hướng, nhiệm vụ, cho Đảng hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật sẽ mãi mãi soi sáng con đường phát triển của Việt Nam, chương trình hành động sáng tạo của toàn Đảng toàn dân, đưa đất nước ta ổn định, phát triển bền vững và hiện đại hóa như xác định của Dảng, trong thời kỳ mới. Đó cũng là sự nhận thức và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta hiện nay.

Nói tóm lại, nói tới những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc cần nhấn mạnh vào bốn điểm cốt yếu, quan trọng nhất sau đây:

Tư tưởng về Đảng cầm quyền và sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”1.

“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”2.

“Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”3.

“Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng4.

Tư tưởng về chăm lo tới con người

“Đầu tiên là công việc đối với con người1. Di chúc đề cập tới các chính sách và biện pháp đối với thương binh, liệt sĩ, cha mẹ, vợ con của họ, đối với phụ nữ, thanh niên, nông dân, đồng bào miền xuôi cũng như miền núi, phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Phát triển giáo dục, công tác y tế và vệ sinh2… Chính sách đối với những nạn nhân của chế độ cũ3.

ư tưởng về quản lý xã hội, chính sách xã hội, an sinh xã hội sau chiến tranh. “Mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong chiến tranh xâm lược dã man. Đó là những công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm4.

Tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và đổi mới. Trong Di chúc, Người đã kín đáo nêu lên quan niệm về chủ nghĩa xã hội “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”5; Về đổi mới: Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi… là một cuộc chiến đấu khổng lồ. Phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân6.


1 Hồ Chí Minh. Toàn tập. 15 tập. CTQG. H.2011. Tập 15, tr.622.

2 tr.622.

3 tr.622

4 tr.616,622.

1 tr.616.

2 tr.616,617.

3 tr.617.

4 tr.616.

5 tr.624.

6 tr.617.