Quay lại
Tiếp theo

Thứ năm, 29/06/2017 | 06:51 GMT+7


Ông Trần Khắc Hùng – Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Đô bảo vệ thành công đề tài Tiến sĩ tại Đại học Harvard

Tại Hội thảo Khoa học Quốc tế IJAS do Đại học Harvard (Boston, Massachusetts, U.S) tổ chức vào tháng 5 vừa qua, TS. Trần Khắc Hùng - Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Đô  đã bảo vệ thành công đề tài “Chiến lược giữ chân nhân viên trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội”. Đây là 1 trong những đề tài được các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao về mặt lý luận cũng như tính ứng dụng trong thực tiễn quản lý, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Sau khi bảo vệ thành công đề tài tại Hội thảo Khoa học Quốc tế IJAS, TS. Trần Khắc Hùng đã có buổi chia sẻ nhanh về ý nghĩa của Hội thảo cũng như việc bảo vệ thành công đề tài “Chiến lược giữ chân nhân viên trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội”.

PV: Xin chào TS. Trần Khắc Hùng, cảm ơn TS vì đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay!

TS: Vâng, xin chào!

PV: Thưa TS Trần Khắc Hùng, TS có thể cho biết đôi nét về Hội thảo Khoa học Quốc tế IJAS?

TS: IJAS là viết tắt của Tạp chí Quốc tế về Khoa học và Nghệ thuật - International Journal of Arts & Sciences, tạp chí thuộc trường Đại học Harvard, Hoa kỳ.  Đây là một Hội thảo thường niên về Nghiên cứu khoa học và đào tạo, nơi các học giả, các đại diện doanh nghiệp trên Thế giới công bố và thảo luận đề tài nghiên cứu khoa học của mình.

PV: Được biết tại Hội thảo, đại diện nhà trường đã công bố thành công 5 công trình khoa học. Trong đó đề tài “Chiến lược giữ chân nhân viên trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội” của TS được các nhà khoa học, và các chuyên gia, đánh giá rất cao về tính lý luận cũng như ứng dụng trong thực tiễn quản lý. Xin TS cho biết lý do lựa chọn đề tài này?

TS: Nhân lực là một trong số những điểm quan trọng hàng đầu để duy trì và phát triển 1 doanh nghiệp. Nhân lực tốt thì doanh nghiệp mới tốt. Tuy nhiên, với kinh nghiệp nhiều năm quản lý và tư vấn chiến lược, Tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội hiện nay đang phải đối mặt với những nguy cơ lớn từ việc không giữ chân được người tài hay còn gọi là chảy máu chát xám. Với mong muốn sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân để khắc phục phần nào tình trạng này, tôi đã quyết định lựa chọn đề tài này để nghiên cứu và thảo luận tại Hội thảo.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xây dựng một khung lý thuyết phục vụ cho mục đích khám phá các nhân tố chính ảnh hưởng đến việc giữ chân nhân viên trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội. Thông qua việc khảo sát 250 nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội, kết quả nghiên cứu đã cho thấy mô hình nghiên cứu được kiểm định thông qua mô hình hồi quy bội nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ.

PV: Xin TS giải thích rõ hơn về kết quả nghiên cứu cũng như lý do khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội liên tục gặp tình trạng nhân viên có năng lực bỏ việc, đầu quân cho công ty khác?

TS: Có rất nhiều lý do khiến doanh nghiệp lâm vào tình cảnh “chảy máu chất xám”. Trong bài bảo vệ tôi cũng đã nêu ra một số những điểm như sau:

Nghiên cứu của tôi cho thấy việc giữ chân nhân viên bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố: 1) Thu nhập (giá trị beta = 0.420); 2), Phong cách lãnh đạo (giá trị beta = 0.331), 3) Đào tạo và phát triển (giá trị beta = 0.222) và Quan hệ với đồng nghiệp (giá trị beta = .131). Trong nghiên cứu của mình tôi cũng đã kiểm định sự khác biệt giữa các nhân viên đang làm việc trong ba loại hình doanh nghiệp (Thương mại, sản xuất và dịch vụ) đối với việc giữ chân nhân viên. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp dịch vụ có khả năng giữ chân nhân viên tốt hơn các doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp sản xuất.

PV: Xin TS hãy cho biết các giải pháp được đưa ra nhằm giữ chân nhân viên cho các các doanh nghiệp?

TS: Trong trình bày tại Hội thảo, tôi đã đưa ra khá nhiều các giải pháp. Điển hình như việc cải thiện chất lượng môi trường làm việc; thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động team work nhằm gắn kết nhân viên với công ty; đưa ra mức lương – thưởng hợp lý, tạo cơ hội thăng tiến với từng công việc của từng người lao động. Quan trọng hơn hết, người chủ doanh nghiệp phải gần gũi và hiểu được mong muốn của nhân viên, tạo cho họ có cảm giác được tôn trọng và ghi nhận.  Một số tác giả như Kreitner, Kinicki và Cole khi nghiên cứu về đề tài này cũng đã chỉ ra rằng sự công nhận và tôn trọng có giá trị hơn bất cứ phần thưởng nào.

PV: Xin TS cho biết tính ứng dụng của đề tài trong quản lý doanh nghiệp?

TS: Đề tài “Chiến lược giữ chân nhân viên trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội” là một đề tài có tính khả thi cao, được các nhà khoa học, các nhà quản lý đánh giá rất tốt. Cá nhân tôi cho rằng, với những kết quả đạt được của nghiên cứu và các giải pháp gắn với các nhân tố cụ thể, nếu các doanh nghiệp thực hiện đúng – đủ chắc chắn sẽ tạo ra những bước tiến rõ rệt cả trong nhận thức cũng như hành động của người lao động và người chủ doanh nghiệp.

PV: Với tính thực tiễn cao như vậy, TS có mong muốn sẽ phát triển hơn nữa đề tài này không?

TS: Một nghiên cứu khoa học chỉ thực sự có ích khi nó gắn liền với thực tiễn. Hiện nay tôi đang tiếp tục hợp tác với một số cá nhân như TS. Nguyễn Đức Bảo Long – Phó trưởng phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên để hoàn thiện hơn nữa đề tài này và tiến hành xuất bản sách trong năm nay.

PV: Vâng, một lần nữa xin được chúc mừng thầy đã bảo vệ thành công đề tài “Chiến lược giữ chân nhân viên trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội”. Cảm ơn thầy đã tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay.